NHỜI  ĐÀN BÀ

(Propos de femme)

LẮM VỢ

Lời thưa cuả người thực hiện: chúng tôi dựa trên bản chụp lại và cố gắng sao chép đúng với nguyên bản. Cứ theo luật lệ chính tả và văn phạm ngày nay thì bài văn có nhiều chỗ sai, nhất là ở các cặp chữ s/x, ch/tr, gi/r/d, và những chỗ chấm, phẩy và viết hoa. Không rõ những chỗ sai này do cụ Vĩnh lầm,  hay do hồi đó chưa có luật lệ rõ rệt, hoặc gỉa cụ Vĩnh chủ trương viết theo cách phát âm cuả mình; vấn đề này mong được các học gỉa nghiên cứu làm sáng tỏ. Riêng chúng tôi khi thực hiện chỉ mong thấy sao chép vậy, vì chúng tôi quan niệm những bài viết này, ra đời cách nay trên dưới 100 năm,  vào thời kỳ phôi thai cuả Việt ngữ, nên mang ít nhiều tính chất lịch sử. Ở trên chúng tôi nói cố gắng giũ đúng nguyên bản  vì chúng tôi chỉ có bản chụp; bản chính được hình thành cách nay non một thế kỷ, vào lúc kỹ nghệ in ấn và giấy mực còn thô sơ, rồi tài liệu đuợc lưu trữ gần một thế kỷ nên ngay bản chính cũng đã mờ nhạt; nay chúng tôi có bản chụp cuả bản mờ nhạt  nên không tránh khỏi có những chỗ không thể nào phân biệt được chữ gì, dù đã dùng đến kính phóng đại. Trong trường hợp đó,  chúng tôi chỉ còn cách dựa trên ngữ cảnh mà đoán.

Hiện chúng tôi đang sưu tầm thêm những tài liệu về cụ Nguyễn Văn Vĩnh, quý vị nào có xin vui lòng liên lạc nguyenhongphuc54@yahoo.com . Xin đa tạ

Kính báo.  

 

Ngày xưa ở báo Đăng cổ em có ra câu vấn–đề ấy, thì có ông đã giải rồi nhưng mà xét ra giải chưa đủ nghĩa. 

 Em tưởng điều này là một điều tối can–hệ cho xã–hội, nên đem ra mà bàn nữa cho sác lý.

 Việc lấy năm lấy bẩy là một việc thường cuả người làm quan và những người có cuả, lúc giời cho được phong túc thì chẳng quản gì phòng giữa phòng bên, quí hồ cho nó sướng thân, đến lúc lỡ ra sa–sút,  thì nào có cực một thân, lại còn để cho một đoàn phụ–nữ, một bầy con dại nheo nhóc cực khổ.

 Lại còn có kẻ thì nuôi thân chẳng nổi, còn đi rước lấy nàng hầu vợ bé về nhà, cho nó chia bát cơm vơi cuả đàn con mọn nhà mình, vừa làm cực vợ cực con, vừa làm cực lấy đến đứa quá nghe mình. Có kẻ thì lấy lẽ lấy mọn để hà–tiện đứa ở, mà lại phòng để cho nó có ăn cắp bớt cũng chẳng thiệt đi đâu.

 Trong các hạng người lấy vợ lẽ, thì dong thứ được, duy chỉ có những người hiếm muộn, hoặc tại mình, hoặc tại vợ cả, lấy thêm một hai người,  họa may có nẩy mầm xui rễ ra được chăng, mà chẳng được nữa, thì ngồi nhìn nhau tay ba tay tư cũng thêm vui.

 Em muốn rằng có ông nào luận cho vỡ ra việc ấy, trước hết lấy lẽ tự–nhiên, và lấy lẽ người mà suy ra xem việc lấy nhiều vợ nên hay không.

Sau, ví dù lẽ có nên, thì phàn trong bấy nhiêu cớ lấy vợ lẽ những cớ nào là cần.

 Ai giải được vấn–đề ấy cho minh ra,  thì có lẽ cứu được bao nhiêu cái khổ ải cuả thiên–hạ, nhất là cuả người đàn–bà.

Người đàn–ông mà nghe thủng ra, nếu là việc trái lẽ thì tất muốn trừa không làm nữa; nếu là việc có khi sử biến có khi sử thường, thì cũng biết được những khi nào là khi có quyền sử biến mà thôi.

 Người đàn–bà mà vỡ nghĩa ra, thì khi có quyền tất biết giữ, mà khi chẳng có quyền tất biết đành.

 Người số kiếp phải đi lẽ mọn, thì biết r được cái phận–sự mình và cái quyền thế mình. Chớ có thấy chồng yêu mà truật quyền cuả xã–hội đã cho người trước mình; mà cũng chớ có để cho kẻ khác nhân một cái thế mình không tự–chủ, mà hành–hạ mình, tối làm đệm kê chân giường, ngày dùng làm cách kiếm tiền thêm, mà lỡ không kiếm đủ nuôi lấy miệng, nó lại còn làm ốc nhục.

 Bấy nhiêu câu chắc làm được mươi bài luận thực hay, ai cũng muốn xem, vì đó mới thực là truyện cuả cả mọi nhà.

 Đào Thị Loan.

 (Trích Đông Dương tạp chí số 22 trang 9).

 Đào Thị Loan, một trong các bút hiệu của cụ Nguyễn Văn Vĩnh.

 Nguyễn văn Phổ, Nguyễn Kỳ sưu tầm.

Nguyễn Nga Mỹ đánh máy nguyên văn theo bản chụp lại.